Chiều tháng 3 năm 2022!

Lượt xem:

Đọc bài viết

Chiều mùa xuân, tháng 3 Tây Nguyên đang vào mùa, lễ hội chưa thấy đâu mà chỉ thấy bà con đang gặt lúa, hái tiêu, thu mì (sắn)….đâu đó tiếng nhạc xập xình, đang ở trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, ông giáo già cùng đồng nghiệp đi thăm gia đình học sinh. Đúng 4 giờ 30 phút, chúng tôi xuất phát song vẫn có ý kiến “thầy chưa nên đi hôm nay vì ở dưới buôn đang có nhiều F lắm”, nhưng chúng tôi vẫn lên đường.

Đường đến nhà các em

Từ sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần (2022) đã có trên 20 em học sinh không đến lớp, rải đều ở các buôn, nhưng đông nhất vẫn là buôn Trấp và buôn Hring (xã Ea Hđing). Nhóm chúng tôi, gồm có 4 thầy giáo được phân công đi đến vận động 4 học sinh lớp 7.

H Hin ( lớp 7a2) có mẹ là H Hiên ( đội 2 buôn Hring), con của ông bố nghiện rượu, mẹ đi làm xa, gia đình có 6 anh chị em. Hin là con thứ trong nhà nên vừa đi học, trông em vừa làm việc nhà giúp mẹ. Từ ngày đi học sau kỳ nghỉ Tết, cái xe đạp bị hỏng, vả lại dịch Coovid-19 đang bùng phát nên em không đến lớp. Sau khi chúng gặp gỡ bố, hai cô chị họ đang học lớp 9, 10 động viên Hin nên tiếp tục đi học, tuổi còn nhỏ phải đi học để có kiến thức sau này mới làm việc giúp bản thân và gia đình. Băn khoăn lo lắng vì cái xe, hư đã lâu để ngoài vườn cà phê.

xe bị hỏng?

Nhà em H Hin ( 7a2)

A Thi (lớp 7a2) con của phụ huynh A Tim, hai vợ chồng đi làm ăn ở Đắk Song ( Đắk Nông), gia đình có 7 đứa con, một vài đứa đã lập gia đình. A Thi là con trai thứ, đang là học sinh lớp 7 nhưng đã đảm đang mọi việc trong nhà: cắt chuối, nấu cám nuôi ngan, gà…trông em, chăm cháu, lo cơm nước, tắm, giặt cho  tất cả “4 đứa” ( lứa tuổi học mẫu giáo)…hai đứa em và hai cháu con chị gái ( cũng đi làm ăn xa). Do đó em không có thời gian đi học; vừa động viên học sinh nhưng không cầm lòng được, thật cảm động khi gặp một hoàn cảnh như vậy. Biết nói gì với em đây, đi học thì ai lo cho các em, hai cháu gái nhỏ bé. Còn đi học thì bố mẹ, chị đi làm xa không yên tâm. Ôi, một hoàn cảnh, một ước mơ làm sao đây!

Em A Thi với 2 đứa cháu.

H Ve Ri Săt ( 7a2) lại có hoàn cảnh cũng đặc biệt, bố mất sớm vì bệnh hiểm nghèo, để lại cho mẹ em ( chị H Kam) trú tại đội 3 buôn Hring, có 5 chị em. H Ve Ri Săt là con gái lớn trong nhà, thương mẹ em đành gác lại ước mơ cắp sách đến trường ở nhà để đi làm nương, rẫy. Khi chúng tôi đến thì không gặp được H Kam vì phụ huynh đi làm chưa về. Nhà của gia đình cũng là nhà xây nhưng cũng đơn giản, chỉ đủ che nắng, che mưa cho mấy mẹ con. Trông quá nhỏ bé khi đứng bên ngôi nhà đang xây dở…khi chúng tôi đến, rất may có anh A Choa dẫn đường, em đang ở nhà ( mới học lớp 7 nhưng H Ve trong lớn tướng), vận động em tuần sau đi học, biết rằng đi học để sau này có cái bằng để đi làm ăn, nhưng còn mẹ, còn các em….liệu em ấy có tiếp tục được không!

Em H Ve Ri Săt ( 7a2)

Học sinh H Dữ ( đội 4 buôn Hring), ngôi nhà nhỏ nằm trong hẻm nhỏ, giàn hoa giấy bông đỏ, báo hiệu tin vui chăng? Ba chúng tôi đến, có người chạy ra chào hỏi, đó là một người phụ nữ trong còn trẻ nhưng đã là mẹ của 5 đứa con. H Dữ là con gái lớn trong nhà. Bố em là anh A Gut, mới 5 giờ chiều mà đã say lúy túy, nằm chõng kèo trên thềm nhà; phía sau ngôi nhà gỗ có mẹ anh đã già yếu…hoàn cảnh gia đình khó khăn ( ruộng nương ít, thu nhập thấp); làm ăn mãi mà chưa mua được cái xe đạp cho con đi học. Khi nói chuyện với phụ huynh có muốn cho con đi học không? Người mẹ hồn nhiên “ cũng tùy nó thôi”. Thân hình nhỏ bé của H Dữ nếu nghỉ học thì có đi làm gì được không? Vẫn câu nói thủ thỉ “em cố gắng tiếp tục đến lớp nhé, học cho xong bậc THCS để rồi còn đi làm công nhân để mà giúp cha mẹ và các em….

H Dữ ( 7a4)

Ra về, trong tôi với bao suy nghĩ, đã hơn 30 năm công tác tại Ea H’đing, với buôn Hring tôi đã đến với bà con trong buôn từ những năm 1987, khi mới thành lập, bao thế hệ học trò đã đi qua. Đời sống đồng bào đã và đang thay đổi, đường sá, nhà cửa to đẹp hơn xưa, nhưng đâu đó vẫn có những hoàn cảnh! Vậy là bây giờ mình đi vận động những đứa con hoặc cháu của học trò năm xưa, gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền luôn đè nặng trên vai. Trước đây, với lý do này nọ, bố mẹ không theo học hành đến nơi đến chốn, có lẽ bây giờ con cháu họ cũng vậy sao? Thật đúng là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà một hoàn cảnh”; bốn gia đình phụ huynh chúng tôi đến ( là bốn học trò của tôi ngày xưa chăng) lại có bốn em học sinh đang trong diện “bỏ học” khó vận động! Hai em không đủ phương tiện đi học, hai em không có thời gian đến trường.

Bếp nhà em H Hin. ( 7a2)

Biết làm sao, khi chúng ta muốn nhưng lại không thể!

BĐT